- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”
Bài học ngày 21.1.2022
BÀI 26. BIẾN CÁCH DANH TỪ NAM TÁNH VĨ NGỮ Ī
1. Biến cách danh từ nam tánh vĩ ngữ ī
Pakkhī – con chim |
||
Số ít | Số nhiều | |
Chủ cách | pakkhī | pakkhī / pakkhino |
Đối cách | pakkhī | pakkhī / pakkhino |
Sở dụng cách | pakkhinā | pakkhīhi (pakkhībhi) |
Xuất xứ cách | pakkhinā / pakkhimhā / pakkhismā | pakkhīhi (pakkhībhi) |
Chỉ định cách | pakkhino / pakkhissa | pakkhīnaṃ |
Sở thuộc cách | pakkhino / pakkhissa | pakkhīnaṃ |
Định sở cách | pakkhini / pakkhimhi / pakkhismiṃ | pakkhīsu |
Hô cách | pakkhinaṃ / pakkhiṃ | pakkhī / pakkhino |
Nên lưu ý là trong biến cách danh từ tận cùng bằng ī chỉ khác với danh từ tận bằng i ở ba cách chủ cách, hô cách, và đối cách.
Những cách còn lại giống biến cách của danh từ nam tánh vĩ ngữ i ngoại trừ định sở cách số ít với dạng _ini ( trong thí dụ ở đây: pakkhini)
2. Một số danh từ nam tánh tận cùng bằng -ī
hatthī / karī | – con voi |
sāmī | – người chồng, chủ nhân |
seṭṭhī | – bá hộ, trưởng giả, người giàu có kinh doanh về tài chánh. |
sukhī | – người sống an lạc |
mantī | – bộ trưởng, tổng trưởng, thượng thư |
sikhī | – con công trống |
pāṇī | – loài hữu tình, loài có hơi thở, sinh vật, loài có thức tánh, chúng sanh |
dāṭhī | – voi có ngà (đặc chủng) |
dīghajīvī | – người trường thọ |
balī | – cường nhân |
vaḍḍhakī | – thợ mộc |
sārathī | – người đánh xe, người điều khiển xe, xa phu, người lái xe |
kuṭṭhī | – người cùi |
pāpakārī | – ác nhân, người làm điều ác |
PĀLI VUI ĐỂ HỌC
Có Phần Giống, Có Phần Khác, Có Phần … Lộn Xộn
Trong việc chuyển ngữ có những trường hợp từ vựng dịch thiếu hoặc dịch dư hay phải tuỳ ngữ cảnh để sử dụng. Cũng có những trường hợp mà khi nói thỉ cả hai phương diện ngữ lẫn nghĩa đều không đủ mà phải nói tới … cái đuôi lê thê phía sau.
Thử lấy thí dụ hai chữ lakkhaṇa và nimitta trong Pāli. Cả hai đều thường được dịch sang chữ Hán là “tướng - 相”
Chung chung mà nói thì nimita thường chỉ cho biểu hiện, dấu hiệu bên ngoài mà nhờ đó biết được cái sâu kín phía sau như người sắp mất thấy con dao hay cục phấn là những thứ liên quan tới hạnh nghiệp bình sinh. Với ý nghĩa nầy thì nimitta có thể dịch là biểu tướng hay hiện tướng.
Cũng theo cách hiểu thường gặp thì chữ lakkhaṇa chỉ cho bản chất cố hữu như vô thường, khổ não, vô ngã được gọi là tilakkhaṇa – tam tướng. Với ý nghĩa nầy chữ lakkhaṇa có thể dịch là chân tướng hay thực tướng.
Nếu chỉ với hai ý nghĩa trên thì sự chuyển dịch quá dễ dàng. Nhưng sự việc không dừng ở đó. Chữ nimitta đôi khi có thể dịch là “đặc tính” thí dụ bālanimitta – đặc tính của kẻ ngu (thân ác, khẩu ác, ý ác) và paṇḍitanimitta – đặc tính của người trí (thân hiền thiện, khẩu hiền thiện, ý hiền thiện). Trong lúc chữ lakkhaṇa được dùng trong Lakkhaṇasutta – Tướng Kinh chỉ cho tướng cách hay thân tướng của bậc đại trượng phu.
Vậy thì nimitta và lakkhaṇa cái nào chỉ cho bản chất? cái nào chỉ cho hiện tượng? Câu trả lời là … hên xui. Rắc rối hơn nữa là trong chữ Hán thì chữ tướng dùng cho cả hai trường hợp. Thật là lộn xộn.
PĀLI NGHI THỨC NHẬT HÀNH
Tổng Trì Phật Lực Kinh | |
Sabbe buddhā balappattā paccekānañca yaṃ balaṃ arahantānañca tejena rakkhaṃ bandhāmi sabbaso |
Chư Toàn Giác đại lực Chư Ðộc Giác đại lực Thinh Văn Giác đại lực Nguyện tổng trì uy đức Cầu phúc lành phát sanh |
Bài tập 26
A. Dịch tiếng Pāli sang tiếng Việt
1. Pakkhī gāyanto sākhāyaṃ nisīdati.
2. Gāviṃ rajjuyā muñcamānā ammā khette ṭhitā hoti.
3. Kaññāyo sabhāyaṃ naccantiyo gāyiṃsu.
4. Seṭṭhī mahantaṃ (much) dhanaṃ vissajjetvā samaṇānaṃ vihāraṃ kārāpesi.
5. Hatthino ca kaṇeruyo ca aṭaviyaṃ āhiṇḍanti.
6. Pāpakārī pāpāni paṭicchādetvā sappuriso viya (like) sabhāyaṃ nisinno seṭṭhinā saddhiṃ kathesi.
B. Dịch Tiếng Việt sang tiếng Pāli
1. Bị săn đuổi bởi thợ săn hung ác, các con voi chạy vào rừng.
2. Người cùi lấy chiếc áo choàng được cho bởi người chồng.
3. Những con báo sống trong rừng không sợ hãi đối với những con sư tử sống trong các hang đá.
4. Những bé trai vừa hát vừa nhảy múa với các bé gái trong hội trường.
5. Những người mẹ cùng các con gái trải hoa sen trên chỗ cúng hương hoa (pupphāsane).
6. Nếu những đứa con trai uống rượu thì những đứa con gái sẽ nổi giận và sẽ không ca hát.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng