Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI” _ BÀI 22. TƯƠNG LAI PHÂN TỪ THỤ ĐỘNG

Friday, 19/11/2021, 19:25 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 19.11.2021


BÀI 22. TƯƠNG LAI PHÂN TỪ THỤ ĐỘNG

Tương lai thụ động phân từ - cũng gọi là khả năng phân từ - tạo thành bằng cách thêm -tabba / -anīya vào động từ nguyên mẫu thông thường nối giữa với nguyên âm -i-.

Những phân từ nầy được chia giống như danh từ nam tánh và trung tánh tận cùng bằng -a và nữ tánh tận cùng bằng ā. Phân từ nầy sử dụng để diễn tả ý kiến “phải”, “nên”, ‘thích hợp để”.

pacati – pacitabba / pacanīya
bhuñjati – bhuñjitabba / bhojanīya
karoti – kātabba / karaṇīya

Vài câu tiêu biểu:

Ammā pacitabbaṃ / pacanīyaṃ taṇḍulaṃ piṭake ṭhapesi.

Người mẹ cất gạo sẽ được nấu trong giỏ.

Dārikāya bhuñjitabbaṃ / bhojanīyaṃ odanaṃ ahaṃ na bhuñjissāmi.

Tôi sẽ không ăn cơm mà nên được bé gái ăn (phần để dành cho bé gái)

Kassakena kātabbaṃ / karaṇīyaṃ kammaṃ kātuṃ tvaṃ icchasi.

Bạn muốn làm công việc mà lẽ ra nên để bác nông dân làm


PĀLI VUI ĐỂ HỌC

NIÊN LỊCH

Phân chia niên lịch là một trong những biểu thị quan trọng của văn minh nhân loại. Phương Tây do ảnh hưởng mạnh mẽ của Thiên Chúa Giáo nên Dương lịch Gregory phổ cập cùng khắp và gần như được cả thế giới sử dụng ngày nay. Phương Đông măc dù sử dụng Âm lịch từ thời cổ đại cho đến giờ nhưng có nhiều dị biệt. Đối với người học Phạm ngữ nên nhớ là không có sự tương đương khi chuyển dịch ngày tháng.

Vài điểm sau đây nên lưu ý:

Có hai cách gọi tháng trong năm: gọi bằng tên và gọi bằng số. Miến điện, Thái, Lào, Việt Nam gọi tháng bằng số như tháng hai, tháng ba, tháng tư …v.v… trong lúc trong lúc Ấn Độ gọi tháng bằng tên. Trong tiếng Pāli 12 tháng mang những tên như sau: Citta, Vesākha, Jeṭṭha, Āsaḷha, Sāvaṇa, Poṭṭhapāda, Assayuja, Kattika, Māgasira, Phussa, Māgha, Phagguṇa. Khi tháng gọi bằng số thì ăn tết phải là tháng giêng. Khi gọi bằng tên thì ... tuỳ theo địa phương. Người Ấn ăn tết Diwali vào tháng Kattika trong lúc nhiều quốc gia lân cận ăn tết vào tháng Citta hay Vesākha.

Ngày rằm rất quan trọng trong Âm lịch. Dưong lịch và âm lịch tính theo sự vận hành của mặt trời và mặt trăng. Dĩ nhiên ngày rằm (purnima) đặc biệt quan trọng trong Âm lịch. Trong lúc chúng ta gọi Đại lễ Tháng Tư (Vesak) thì người Ấn gọi là ngày Buddha Purnima – Ngày Rằm của Phật (cũng gọi là Buddha Jayanti). Có ba ngày lễ lớn trong năm theo Phật Giáo là Maghapūja, Vesakhapūja và Āsaḷhapūja lấy theo tên của tháng. Cả ba đại lễ đều là ngày trăng tròn. Chúng ta cẩn thận khi chuyển dịch những đại lễ nầy là đại lễ Rằm Tháng Giêng, đại lễ Rằm Tháng Tư, đại lễ Rằm Tháng Sáu. Các quốc gia Phật giáo ăn tết vào đầu tháng Vesākha (tương đương với tháng tư Âm lịch của Việt Nam). Cũng có vài nơi xem tháng Citta là tháng đầu trong năm.

Khoa chiêm tinh của Trung Hoa bắt nguồn từ Ấn Độ mặc dù nhiều người không nhận ra. Thí dụ: tên các vì sao như La Hầu, Thái bạch, Thổ tú …v.v… đều bắt nguồn từ Phạm ngữ. Tên của các năm đặt theo 12 con giáp Tý, Sữu, Dần …v.v… đều giống nhau. Riêng người Việt thì khác một chút là năm con thỏ thì gọi là năm con mèo. Trong văn hoá Ấn thì cả 12 con giáp đều là linh vật nên có đền thờ chuột, thờ rắn. trong lúc tại Việt Nam thì chuột là loài phá hoại và nhiều địa phương bắt chuột để… nhậu.


PĀLI TRONG NGHI THỨC NHẬT HÀNH

LỄ PHẬT TÍCH (Cetiyādivandanā)

Vandāmi cetiyaṃ sabbaṃ

Sabbaṭhānesu patiṭṭhitaṃ

Sārīrikadhātu mahābodhiṃ

Buddharūpaṃ sakalaṃ sadā.

Ngàn xưa lưu dấu Cha Lành,

Bảo tháp Xá lợi kim thân Phật Đà,

Bồ đề khắp cõi ta bà,

Nhất tâm kính lễ hương hoa cúng dường.


BÀI TẬP 22

Dịch sang tiếng Việt

1. Upāsakehi samaṇā vanditabbā honti.

2. Mañjūsāyaṃ nikkhipitabbaṃ suvaṇṇaṃ mā mañcasmiṃ ṭhapehi.

3. Sappurisā pūjanīye pūjenti, asappurisā tathā (likewise) na karonti.

4. Bhūpālena rakkhitabbaṃ dīpaṃ amaccā na sammā (well) pālenti.

5. Manussehi dhammo uggaṇhitabbo, saccaṃ adhigantabbaṃ hoti.

6. Kumārīhi āhaṭāni pupphāni udakena āsiñcitabbāni honti.

Dịch sang tiếng Pāli

1. Người ta nên thắp đèn ban đêm

2. Người thương buôn mua những con ngựa để bán cho những nông dân

3. Cảnh sắc được thấy bằng mắt, cảnh vị được thưởng thức bằng lưỡi.

4. Con chó không nên bị đánh bằng gậy và đá

5. Người dân trên đảo nên được bảo vệ bởi vua và các quan

6. Bông hoa không nên bị hái bởi người đi lại trong công viên


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng