- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Giáo trình Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”
Bài học ngày 5.7.2021
Giới Thiệu Khai Giảng
Pāli có nghĩa là điển ngữ hay ngôn ngữ chép kinh. Đây là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong vùng châu thổ sông Ganga thời Đức Phật tại thế và thế kỷ thứ năm trước Tây lịch. Nỗi bật trong số các trung tâm văn hoá mà ngôn ngữ được xem là chuẩn mực là xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) với kinh đô Rājagaha (Vương Xá). Đây là sanh quán của nhiều đệ tử lỗi lạc của Đức Phật trong đó có Ngài Mahākassapa, Ngài Sāriputta, Ngài Moggallāna... và chính tại kinh đô Rājagaha diễn ra Đại Hội Kết Tập Kinh Điển 3 tháng sau khi Đức Phật viên tịch. Ngôn ngữ của xứ Magadha được chọn đển kết tập kinh điển và từ đó gọi là Pāli.
Pāli và ngôn ngữ Ấn Độ
Ấn độ có hơn 250 ngôn ngữ. Tiếng Hindi được hơn 80 phần trăm dân chúng sử dụng. Tiếng Hindi thuộc hệ Indo-European (Ấn Âu). Tiếng Hindi, Brahmi, Pāli, Sanskrit là thuộc chung một hệ ngôn ngữ.
Ngôn ngữ luôn thay đổi theo thời gian. Khi ngôn ngữ được sử dụng để viết kinh điển những các trường hợp tiếng Sanskrit với Bà la môn giáo, tiếng Pāli đối với Phật giáo, tiếng Latin đối với Ki tô giáo La mã thì “bị đóng khung không tiến hoá theo thời gian nên không còn là sinh ngữ mà trở thành cổ ngữ dùng riêng trong tôn giáo.
Trong nền văn hoá chịu ảnh hưởng sâu đậm Bà la môn giáo (hay Ấn giáo) người ta gọi ngôn ngữ kinh điển là Sanskrit (nghĩa là ngôn ngữ trau chuốt, thuộc văn hoá cao) còn các ngôn ngữ khác thì được gọi là Prakrit (hay phương ngữ - thứ ngôn ngữ sản sinh tự nhiên). Tất nhiên điều nầy cũng có nhiều phần mang quan niệm chủ quan. Cũng như ngôn ngữ Âu Châu chịu ảnh hưởng lớn ngôn ngữ La – Hy nhưng không thể nói là tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ bình dân.
Pāli và dòng lịch sử Đạo Phật
Đức Phật dành phần lớn thì giờ suốt 45 hoằng hoá trong lưu vực Sông Hằng. Đại Hội Kết Tập Kinh Điển tổ chức tại Magadha tất nhiên dùng tiếng Magadha. Những Đại Hội Trùng Tuyên sau nầy dù ở Vesali, Pataliputta, Tích Lan hay Miến Điện đều tiếp tục tiếng Pāli để chuyên chở giáo nghĩa của Phật Pháp. Sự truyền thừa kho tàng kinh điển Pāli ở phương diện nào đó nói lên tinh thần bảo thủ của truyền thống Theravāda.
Trong đại hội Phật giáo Thế Giới năm 1950 tại Tích Lan tất cả các phái đoàn Phật giáo đến từ 27 quốc gia trên thế giới đồng thanh quyết nghị không dùng hai chữ Đại Thừa và Tiểu Thừa mà thay vào đó là Bắc Tông và Nam Tông. Do sự kiện lịch sử nầy mà tiếng Pāli được gọi là Nam Phạn và tiếng Sanskrit gọi là Bắc Phạn. Cách gọi nầy chỉ dùng trong tham khảo nội bộ Phật học không có giá trị trên phương diện ngôn ngữ học và đối với người Ấn.
Phạn ngữ là cách phiên âm chữ Brahmi là ngôn ngữ Ấn độ thời vua Asoka (A dục) đây là thời đại mà đất nước Ấn Độ lần đầu thống nhất với diện tích rộng hơn Ấn Độ ngày nay. Đọc đúng theo âm Hán Việt là Phạm ngữ (như Phạm âm, phạm chí, phạm thiên…). Thời Đức Phật tại thế thì chưa có tên gọi Brahmi.
Pāli và Đạo Phật ngày nay
Pāli không còn chỉ là ngôn ngữ kinh điển sử dụng chung có các quốc gia Phật giáo Theravāda mà còn là chìa khoá quan trọng đi vào kho tàng kinh điển Phật giáo của những học giả Phương Tây. Rất nhiều cộng đồng tại những thành phố Âu Mỹ có nhiều sắc tộc Á Châu sinh sống thường có những ngày lễ với sự vân tập chư tăng Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Kampuchia, Việt Nam... dù ngôn ngữ dị biệt nhưng đều có thể tụng kinh và tác pháp yết ma nhờ sử dụng tiếng Pāli.
Điều thú vị là tiếng Pāli với 8 nguyên âm và 33 phụ âm rất dễ phát âm đối với hầu hết dân tộc trên thế giới. Tại một ngôi chùa có tên Wat Pah Nanachat tại Ubon Thái Lan đôi khi có chư tăng từ hơn 20 quốc gia cư trú hầu hết đều tụng đọc kinh Pāli dễ dàng.
Thú vị hơn nữa là tiếng Pāli có lẽ trường hợp hiếm hoi khi một ngôn ngữ có nhiều chữ viết tuỳ theo bản địa như minh họa dưới đây:
Giáo trình Pāli Primer (Pāli Vỡ Lòng)
Giáo trình nầy dịch từ tác phẩm Pāli Primer (Pāli Vỡ Lòng) của Giáo sư tiến sĩ Lily de Silva với những ưu điểm sau:
a. Toàn bộ giáo trình gồm 32 bài học chú trọng vào những điểm căn bản rất có lợi cho người học sơ cơ môn Pāli vì không chú trọng quá nhiều chi tiết làm rối trí người học thường gặp phải.
b. Ngoài hướng dẫn căn bản về văn phạm phần bài tập được chú ý như tâm điểm cho giáo trình. Một kinh nghiệm quan trọng khi giảng dạy sinh ngữ.
c. Pāli được soạn theo phương pháp tân giáo dục.
d. Giáo trình được sử dụng tại nhiều viện Phật học trên thế giới. Ngay cả Ngài Bodhi cũng sử dụng giáo trình nầy để dạy Pāli.
Vài hàng về tác giả Lily de Silva
Giáo sư Lily de Silva, Ph.D. tốt nghiệp tại trường Quốc Học danh tiếng University of Ceylon, Peradeniya, với ưu hạnh (First Class Honors) môn Pāli và đã nhận giải thưởng danh giá Woodward Prize for Pali. Từ năm 1967, bà dạy Pāli ở trường nầy và trở thành khoa trưởng phân khoa Phật học cho đến khi về hưu vào năm 1994. Tiến sĩ Dr. de Silva cũng là chủ biên bộ Sớ giải Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya Atthakatha Tika) gồm ba tập do Pali Text Society ấn hành trở thành nguồn tham khảo quan trọng cho nhiều công trình nghiên cứu Phật học.
Bà cũng là tác giả của hơn 20 bộ sách biên khảo quan trọng về Phật học.
32 bài Pāli Vỡ Lòng:
Bài 1
Chủ cách danh từ nam tính vĩ ngữ a
Bài 2
Đối cách danh từ nam tính vĩ ngữ a
Bài 3
Sử dụng cách danh từ nam tính vĩ ngữ a
Bài 4
Xuất xứ cách danh từ nam tính vĩ ngữ a
Bài 5
Chỉ định cách danh từ nam tính vĩ ngữ a
Bài 6
Sở thuộc cách danh từ nam tính vĩ ngữ a
Bài 7
Định sở cách danh từ nam tính vĩ ngữ a
Bài 8
Hô cách danh từ nam tính vĩ ngữ a
Biến cách danh từ trung tính vĩ ngữ – a
Bài 9
Bất biến phân từ, danh động từ
Bài 10
Động từ căn
Bài 11
Động tính từ hiện tại, nam tính, nữ tính và trung tính.
Bài 12
Chia động từ thì hiện tại, thể chủ động.
Bài 13
Chia động từ thì hiện tại, thể chủ động (tiếp theo)
Bài 14
Chia động từ thì tương lai
Bài 15
Chia động từ khả năng cách
Bài 16
Chia động từ mệnh lệnh cách
Bài 17
Chia động từ thì quá khứ
Bài 18
Biến cách danh từ nữ tính vĩ ngữ – ā
Bài 19
Quá khứ phân từ
Bài 20
Biến cách danh từ nữ tính vĩ ngữ – i và – ī
Bài 21
Hiện tại phân từ
Bài 22
Tương lai phân từ, dạng thụ động
Bài 23
Chia động từ khiển dụng
Bài 24
Biến cách danh từ nữ tính vĩ ngữ – u
Bài 25
Biến cách danh từ nam tính vĩ ngữ – i
Bài 26
Biến cách danh từ nam tính vĩ ngữ – ī
Bài 27
Biến cách danh từ nam tính vĩ ngữ – u và ū
Bài 28
Biến cách danh từ tác nhân hay quan hệ
Bài 29
Biến cách danh từ trung tính vĩ ngữ – i và u
Bài 30
Biến cách tính từ tận cùng bằng – vantu và – mantu
Bài 31
Biến cách của nhân xưng đại danh từ
Bài 32
Biến cách của đại từ nhân xưng, đại từ chỉ định và đại từ nghi vấn
Từ vựng Pāli I. Động từ
Từ vựng Pāli II. Những từ vựng ngoài động từ
Phụ kèm bài học
Bên cạnh bản dịch Pāli Vỡ Lòng giáo trình được biên soạn với ba phần phụ chú:
Chú thích thuật ngữ văn phạm.
Nguyên tác viết cho người học Pāli qua tiếng Anh. Trên phương diện văn phạm thì tiếng Anh và tiếng Pāli có nhiều thuật ngữ tương đồng. Với người Việt thì các thuật ngữ văn phạm Pāli có nhiều chỗ cần chú thích.
Pāli vui để học
Tìm hiểu một số từ ngữ thú vị trong sự tương quan giữa tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và Việt Nam. Học vui thì dễ nhớ hơn.
Pāli và nghi thức nhật hành
Học một số câu kinh Pāli căn bản sử dụng trong nhiều khoá lễ. Những câu kinh ngắn gọn nầy thể được nghe và hoà tụng tại nhiều quốc gia Phật giáo trong nhiều duyên sự khác nhau.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng