Lớp Phật Pháp Buddhadhamma - Sinh hoạt đặc biệt ngày 14.2.2022 - ĐẠI LỄ RẰM THÁNG GIÊNG

Monday, 14/02/2022, 17:07 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Sinh hoạt đặc biệt ngày 14.2.2022


ĐẠI LỄ RẰM THÁNG GIÊNG

· Lời mở đầu

· Đạo từ của Hoà thượng Tuệ Siêu

· Ý nghĩa Đại lễ Rằm Tháng Magha

· Nghi thức chánh lễ

· Pháp đàm

· Hồi hướng – hoàn mãn.


Ý NGHĨA ĐẠI LỄ RẰM THÁNG GIÊNG

Người Việt có câu "phép vua thua lệ làng". Những phong tục dân gian lắm lúc được biết nhiều hơn là những nguyên tắc chánh truyền. Lễ Thượng Nguyên Rằm Tháng Giêng là một trường hợp điển hình. Tên Phạn ngữ của đại lễ là Māghapūjā có nghĩa là lễ hội ngày rằm tháng Māgha – tương đương với tháng Giêng theo lịch Trung Hoa. Gọi là Thượng Nguyên là cách phân chia theo Âm Lịch cùng với Rằm tháng Bảy là Trung Nguyên và Rằm tháng Mười là Hạ Nguyên.

Người Phật tử Việt Nam thường đi chùa xin dâng sớ cầu an cúng sao giải hạn. Vì là ngày Rằm đầu năm nên các chùa tổ chức lễ rất trọng thể. Đại lễ Rằm Tháng Giêng theo truyền thống Phật Giáo mang hai ý nghĩa: Thứ nhất kỷ niệm ngày Ðức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo tại Thánh Hội Tăng Già. Thứ hai kỷ niệm đánh dấu ngày Đức Phật công bố Giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa.

Kinh Giải Thoát Giáo – Ovadapāṭimokkha- là bài kinh cô đọng về Giáo Pháp của chư Phật, căn bản của đời sống tu tập và tôn chỉ hoằng pháp. Mở đầu bài kinh Ðức Thế Tôn dạy rằng sự cúng dường Ðức Phật bằng cách cao quí nhất là sự hành trì Phật Pháp.

Yo pana dhammānudhammapaṭipanno viharati sāmīcipaṭipanno anudhammacārī so tathāgataṃ sakkaroti garukaroti māneti pūjeti paramāya pūjāya paṭipattipūjāya.

Ai hành trì chánh Pháp

Là cúng dường Ðức Phật

Bằng cách cao quí nhất

Trong các sự cúng dường.

Pháp chư Phật dạy có thể tóm lược trong ba điều: không làm bất cứ ác nghiệp nào, huân tu hạnh lành và thanh tịnh hoá tâm ý. Câu kinh nầy đã trở thành lời toát yếu Phật Pháp quen thuộc với mọi người Phật tử.

Sabbapāpassa akaraṇaṃ

Kusalass’ ūpasampadā

Sacittapariyodapanaṃ

Etaṃ buddhānasāsanaṃ.

Không làm nghiệp ác nào

Huân tu những hạnh lành

Thanh tịnh hoá tâm ý

Là huấn ngôn chư Phật

Tiếp theo Ðức Phật nhấn mạnh khả năng kham nhẫn trong cuộc sống tu tập. Vị sa môn trên đường đạo phải học đức chịu đựng nhẫn nại. Trước hết là đối với bản thân. Đức Từ Phụ nhắc nhở về con đường giải thoát mà chư Phật truyền dạy đều đòi hỏi sự kiên tâm. Tự chế không nuôi hiềm hận, nghiêm trì giới luật, phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, sống thanh tịnh độc cư, sống với tâm hướng thượng là những pháp căn bản của người cầu đạo giải thoát.

Khantī paramaṃ tapo titikkhā

Nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā

Na hi pabbajito parūpaghātī

Samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.

Anūpavādo anūpaghāto

Paṭimokkhe ca saṃvaro

Mattaññutā ca bhattasmiṃ

Pantañca sayanāsanaṃ

Adhicitte ca āyogo

Etaṃ buddhānasāsanaṃ.

Diệt ác bằng nhẫn nại

Là pháp môn tối thắng

Chứng giải thoát niết bàn

Là thành tựu tối thượng

Sa môn không hiềm hận

Luôn tinh nghiêm giới luật

Sống phòng hộ các căn

Tiết độ trong ẩm thực

Sống thanh tịnh độc cư

Hướng tâm cầu giải thoát.

Đi xa hơn Ðức Phật dạy thế nào là cái đẹp, cái được, cái nổi bật mà một người trên đường đạo nên mong mỏi. Pháp nhẫn nại là trang sức đẹp nhất; là điều kiện tất yếu cho các thiện pháp phát triển; là trang sức của người trí; là vẻ đẹp của người hiền; là điều kiện dẫn đến những thành tựu trong cuộc sống. Nhẫn nại là phương cách diệu dụng hóa giải mọi tranh chấp.

Sīlasamādhiguṇānaṃ

Khantī padhānakāraṇaṃ

Sabbepi kusaladhammā

Khantyāyeva vaddhanti te.

Kevalānaṃ pi pāpānaṃ

Khanti mūlaṃ nikantati

Garahakalahādīnaṃ

Mūlaṃ khaṇati khantiko.

Khanti dhīrassa laṅkāro

Khanti tapo tapassino

Khanti balaṃ va yatīnaṃ

Khanti hitasukhāvahā.

Tất cả các hạnh lành

Lớn mạnh nhờ kiên tâm

Với hiền trí trong đời

Dùng nhẫn là sức mạnh

Làm sang bằng nhẫn nại

Làm đẹp bằng nhẫn nại

Làm giàu bằng nhẫn nại

Thành công với nhẫn nại

Những tranh chấp lớn nhỏ

Hóa giải nhờ nhẫn nại

Đức Phật cũng nêu rõ tôn chỉ hoằng pháp khi Ngài dạy chư Tăng: Đời sa môn sống vì lợi ích của muôn loài. Không dụ dỗ, hăm dọa, hay dùng phỉ báng, phá hoại tha nhân. Con đường giải thoát giác ngộ là con đường của những người tự giác.

Không mê hoặc, doạ hẩm

Không gây thương tổn ai

Sa môn hoằng đạo cả

Vì lợi lạc cho đời

Một học giả Phật giáo gọi kinh Giải Thoát Giáo là bản tuyên ngôn về tôn chỉ tu tập và hoằng pháp của Tăng lữ. Bản tuyên ngôn đó đã được Đức Phật long trọng trình bày trước một thính chúng toàn bậc thánh nhơn giải thoát. Tất cả đã im lặng mặc nhiên đón nhận.

Thánh Hội Tăng Già là một sự cố hy hữu xảy ra duy nhất một lần trong thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thuở ấy, Đức Bổn Sư đang trú ở chùa Trúc Lâm tại thành Rājagaha. Đó ngày trăng Rằm tháng Māgha (tháng Giêng). Mặc dù không một lời mời nào, 1250 vị thánh Tăng tự vân tập về. Tất cả đều là bậc thánh tứ quả vô lậu giải thoát và đều xuất gia bằng lời gọi của Đức Phật: "Ehi bhikkhu – Thiện lai Tỳ Kheo". Những bậc phước huệ vẹn toàn đó đã ngồi vây quanh dưới chân của Đấng Đại Giác trong sự im lặng tuyệt đối. Những lời giản dị nhưng thâm sâu của Phật được đón nhận bởi những tâm hồn cao khiết. Dưới ánh trăng vằng vặc sáng trong vườn trúc, tiếng nói giác ngộ được nói lên bởi con người giác ngộ cho một hội chúng giác ngộ. Quả là một cuộc gặp gỡ vô tiền khoáng hậu.

Rằm Tháng Giêng cũng kỷ niệm ngày Đức Phật tuyên bố đạo tròn duyên mãn và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa. Sau 45 năm hoằng đạo, Ðức Phật kết thúc năm sau cùng bằng cuộc hành trình dài. Năm ấy Ngài đã 80 tuổi. Con đường từ Rājagaha về Kusinārā ghi lại nhiều sự cố quan trọng. Tại Vesalī, Đức Điều Ngự "với cái nhìn của con voi chúa" đưa mắt quanh núi đồi thanh tú của xứ Vajjī lần sau cùng. Buổi trưa hôm đó tôn giả Ānanda vị thị giả của Ðức Như Lai cảm nhận sự rung chuyển mạnh của một cơn động đất trong khi đang thiền tịnh. Tôn giả đến gặp bậc Đạo Sư và từ kim khẩu của Phật tôn giả được biết rằng Đức Phật đã quyết định sẽ viên tịch sau 3 tháng tới. Không cầm được nước mắt, người đệ tử trung kiên nầy đã khẩn cầu Ðức Phật trụ thế lâu hơn. Đức Phật ôn tồn:

Này Ānanda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ānanda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ānanda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). Này Ānanda, những ai nghĩ rằng: "Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo"; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai" thời này Ānanda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ānanda, Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta" thời này Ānanda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo? Này Ānanda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ānanda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ānanda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.

Rằm Tháng Giêng cũng được gọi là Ngày Pháp Bảo – Dhamma Day. Cùng với ngày Phật Bảo (đại lễ Rằm Tháng Tư) và ngày Tăng Bảo ( Lễ Kaṭhina tháng Mười.) Bởi vì nội dung kinh Giải Thoát Giáo được xem là tôn chỉ của Giáo Pháp nên đại lễ nầy được gọi là Ngày Pháp Bảo.

Thọ Trì Hạnh Đầu Đà là cách cúng dường bằng sự tu tập. Lời xưa Phật dạy ai hành trì chánh pháp là cúng dường Như Lai bằng cách cao thượng. Nay những đệ tử cúng dường Phật bằng một đêm tu học không ngủ. Chữ đầu đà là phạn âm của từ ngữ Dhutaṅga có nghĩa là pháp tiêu trừ phiền não. Có tất cả là 13 hạnh đầu đà. Quyển Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) giải thích tường tận về mỗi hạnh với hiệu năng đối trị những phiền não khác nhau. Hạnh đầu đà trong đại lễ là hạnh sau cùng của mười ba hạnh. Đây là pháp tiết chế sự mê ngủ bằng cách chỉ đi, đứng, ngồi chứ không nằm. Nói cách khác đây là một đêm không ngủ tu tập cúng dường Ðức Phật. Thiền sư Buddhadāsa ghi lại những kinh nghiệm bản thân khi Ngài thức đêm thiền định trong rừng: "thế giới về đêm quả có nhiều điểm kỳ diệu. Hình như trong sự yên tĩnh của màn đêm có cả bao nhiêu sự sống động tiềm ẩn. Những ai theo đuổi cuộc sống tinh thần không nên bỏ qua kinh nghiệm quí báu nầy." Tùy theo mỗi chùa, đêm đầu đà có thể bao gồm nhiều tiết mục tu học. Thường thì gồm có thuyết pháp, luận đạo, tụng kinh, kệ kinh, hành thiền, kinh hành ..v.v.. Nói chung là những sinh hoạt tu học khó tìm thấy ở những đại lễ khác.

Cúng đèn cũng là một nghi thức đặc biệt của đại lễ. Túc Sanh Truyện cho chúng ta biết không phải chỉ có trong thời Đức Phật đến nay mới có việc cúng đèn. Từ thời xa xưa đã có cách dúng dường như vậy. Nền văn minh Ấn hà có tục thờ lửa nên xem đèn như một lễ phẩm quan trọng trong nghi thức tôn giáo. Thời xưa đèn là một nhu yếu cho các pháp hội buổi tối. Vì thế cúng đèn cũng là cúng dường Pháp Bảo. Dù làm cho sáng hay cho đẹp thì theo lý Nhân Quả người cúng đèn có phước quả sanh làm người có gương mặt sáng lạn, ngoài ra nếu có nguyện lực cũng là nhân sanh trí huệ. Người Phật tử Việt nam xem hương, đăng, hoa, quả là bốn lễ phẩm cúng dường chính cho bàn thờ. Vì lễ thọ đầu đà tổ chức buổi tối nên cúng đèn mang lại không khí thiêng liêng đặt biệt. 28 ngọn đèn được thắp để cúng dường 28 vị Chánh Đẳng Chánh Giác như trong Buddhavamsa ghi chép. 108 ngọn đèn để tiêu tai bạt nghiệp từ 6 căn, 6 cảnh, 6 thức thuộc nội phần và ngoại phận trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai (6+6+6) x 2 x 3 = 108). Tục cúng cúng sao giải hạn vào lễ Thượng Nguyên cũng lấy việc cúng đèn làm nghi thức chánh. Nói chung dù theo truyền thống hay tập tục thì lễ Thượng Nguyên vẫn có hai điểm nổi bật là cúng dường ngày Pháp Bảo và cầu an cho bản thân và gia đình.