Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 32 (dhp 414)

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 32 (dhp 414)

Thứ ba, 01/04/2025, 03:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 27.3.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brāhmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 32 (dhp 414)

Chánh văn:

32. Yo’ maṃ palipathaṃ duggaṃ

Saṃsāraṃ mohamaccagā

Tiṇṇo pāraṅgato jhāyī

Anejo akathaṅkathī

Anupādāya nibbuto

Tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.

(dhp 414)

Thích văn:

Yo’ maṃ [hợp âm yo imaṃ].

Yo [chủ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] ai, người nào.

Imaṃ [đối cách, số ít, nam tính, đại từ ima] này, cái này.

Palipathaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể palipatha (pali + patha) con đường hiểm trở, con đường gian nan.

Duggaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ dugga (du + ga do gam)] khó đi.

Saṃsāraṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ saṃsāra] sự luân hồi.

Mohaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ moha] sự si mê, tăm tối.

Accagā [động từ quá khứ, hīyattamī, parassapada, ngôi III, số ít, “ati + gam + a”] đã đi qua, đã đi khỏi.

Tiṇṇo [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ tiṇṇa (quá khứ phân từ của động từ tarati)] đã vượt qua.

Pāraṅgato [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể pāraṅgata (pāra + gata)] đã đến bờ kia.

Jhāyī [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ jhāyī] có chú niệm, có thiền.

Anejo [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ aneja (an + ejā + a)] không còn dục vọng, không còn ham muốn.

Akathaṅkathī [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể akathaṅkathī (a + kathaṃ + katthā + ī)] không còn nghi ngờ, không còn hoài nghi.

Anupādāya [bất biến quá khứ phân từ “an + upa + ā + dā + ya”, của động từ upādāti] không có chấp thủ, không bám bíu.

Nibbuto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ nibbuta (quá khứ phân từ của động từ nibbāti)] đã tịch diệt, đã dập tắt.

Việt văn:

32. Ai chinh phục hiểm lộ,

dong ruổi và hắc ám,

vượt qua, đến bờ kia,

chú niệm, không dục vọng,

không nghi, thủ, tịch diệt

ta gọi ấy phạm chí.

(pc 414)

Chuyển văn:

32. Yo imaṃ duggaṃ palipathaṃ mohaṃ saṃsāraṃ accagā tiṇṇo pāraṅgato jhāyī anejo akathaṅkathī anupādāya nibbuto taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.

Ai chinh phục hiểm lộ khó đi, chinh phục luân hồi hắc ám, đã vượt qua, đã đến bờ kia, chú niệm, không dục vọng, không còn hoài nghi, đã tịch tịnh không chấp thủ. Người ấy, ta gọi là bà la môn.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại khu rừng Kuṇḍadhānavana, gần thành Kundakoliya, vì chuyện trưởng lão Sīvali.

Trưởng lão Sīvali và mẹ Ngài là công chúa Suppavāsā thuộc hoàng tộc Koliya, trong tiền kiếp đã cộng nghiệp ác. Kiếp trước, mẹ Ngài là hoàng thái hậu đã bày kế cho Ngài là vị vua trẻ, vây hãm thành của địch vương suốt bảy năm khiến dân chúng trong thành khổ cực lầm than, kiệt quệ kinh tế. Nhà vua trẻ sau đó công thành bảy ngày giết được địch vương và chiếm thành trì. Do tiền nghiệp ấy mà nay mẹ Ngài phải hoài thai bảy năm và chuyển dạ bảy ngày, cảm thọ khổ khốc liệt. Nhưng nhờ có niềm tin Phật pháp, công chúa Suppavāsā đã kham nhẫn khổ thọ ấy với ba tầm tư: Đức Thế tôn bậc Chánh đẳng Giác Ngài thuyết pháp để đoạn trừ khổ đau này; Chúng đệ tử Thế Tôn là bậc thiện hạnh đã thực hành pháp để đoạn trừ khổ đau này; Níp bàn là lạc tuyệt đối, khổ này không có mặt.

Rồi nàng Suppavāsā nhờ chồng đi đến bậc Đạo sư, nhân danh nàng đảnh lễ bậc Đạo sư và trình bày tình trạng của nàng.

Đức Phật nghe xong đã chúc phúc: “Mong cho công chúa Suppavāsā an vui khỏe mạnh, sanh ra đứa con trai khỏe mạnh”.

Ngay khi bậc Đạo sư nói xong, công chúa Suppavāsā an vui khỏe mạnh và hạ sanh đứa con trai khỏe mạnh.

Vợ chồng nàng Supavāsā càng tăng trưởng nim tin Phật pháp, đã thỉnh đức Phật và chúng tỳ kheo về tư dinh cúng dường trọng thể suốt bảy này. Cậu bé Sīvali vào ngày sanh ra đã biết lọc nước dâng đến chư Tăng vì đã được bảy tuổi.

Thời gian sau đó, cậu bé xin cha mẹ cho xuất gia, tu hành và chứng đắc quả vị A la hán.

Một ngày nọ, các vị tỳ kheo hội họp bàn luận: “Chư hiền, hãy xem! Một người có duyên lành đắc A la hán như vậy mà còn phải chịu khổ trong bụng mẹ thời gian dài chng ấy, huống hồ là những chúng sanh khác! Ôi, thọ khổ mà vị này đã trải qua quá nhiều”.

Đức Thế Tôn đi đến nghe các vị tỳ kheo bàn luận, Ngài phán: “Phải rồi, này các tỳ kheo, con trai ta đã thoát khỏi chừng ấy khổ đau, nay đã chứng ngộ níp bàn và an trú”. Nói xong Ngài thuyết lên bài kệ này: Yo’ maṃ palipathaṃ duggaṃ…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmaṇan’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị đã chứng đắc thánh quá.

Lý giải:

Gọi là hiểm lộ khó đi (palipathaṃ duggaṃ) nghĩa là con đường nguy hiểm có nhiều đồn trú hay cạm bẩy, đây ám chỉ sự hiểm trở bởi các phiền não. Người vượt qua được phiền não, gọi là người chinh phục hiểm lộ khó đi.

Gọi là luân hồi hắc ám (saṃsāraṃ mohaṃ) nghĩa là vòng tái sanh lẫn quẩn, cứ lộn đi lộn lại trong sáu nẻo trời, người, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a tu la do không giác ngộ bốn chân lý khổ, tập, diệt, đạo. Người đã chứng ngộ chân lý thoát ra khỏi vòng luân hồi, gọi là người chinh phục luân hồi hắc ám.

Người đã chinh phục hiểm lộ, chinh phục luân hồi, gọi là người đã vượt qua bộc lưu (cattāro oghe tiṇṇo).

Người đã vượt qua bốn bộc lưu là người đã đạt đến bờ kia (pāraṅgato), tức là đạt đến níp bàn (nibbānaṃ anuppatto).

Chú niệm (jhāyī) là người có thiền, đắc thiền định.

Không dục vọng (anejo), vị A la hán không dục vọng bởi không còn tham ái (taṃhāya abhāvena).

Không nghi (akathaṅkathī), vị A la hán không nghi hoặc bởi không còn hoài nghi (kathaṅkathāya abhāvena).

Không thủ trước (anupādāya), vị A la hán không chấp thủ bởi không còn dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ.

Tịch diệt (nibbuto), vị A la hán tịch diệt bởi dập tắt phiền não (kilesanibbānena).

Người như vậy, đức Phật gọi là bậc Phạm chí./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.



Link nội dung: https://chuaphapluan.com/vn/mon-hoc-p-li-phap-cu-xxvi-pham-ba-la-mon-brahma-avagga-ke-so-32-dhp-414-.html

Copyright © 2021 Phap Luan Buddhist Culture Center. All Rights Reserved
Trong tinh thần hoằng pháp độ sanh, tất cả văn bản đều có thể tự do trích thuật phổ biến nhưng xin ghi rõ xuất xứ và đừng tự ý thêm bớt nguyên văn.