Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || PHÁ VỠ TOÀN BỘ CHẤP THỦ - Kinh Huấn Thị Rāhula (Rāhulovādasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || PHÁ VỠ TOÀN BỘ CHẤP THỦ - Kinh Huấn Thị Rāhula (Rāhulovādasuttaṃ)

Friday, 09/05/2025, 03:50 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 5.5.2025

Kinh Câu hỏi của Pañcasikha (pañcasikhasuttaṃ) SN.35.119 có nội dung giống như trước chỉ khác là người vấn đạo là Càn Thát Bà Pañcasikha thay vì Thiên chủ Sakka.

PHÁ VỠ TOÀN BỘ CHẤP THỦ

Kinh Huấn Thị Rāhula (Rāhulovādasuttaṃ)

Chương XXXV. Tương Ưng Sáu Xứ – Phẩm Thế Giới Dục Trưởng Dưỡng (SN.35.121)

Two people walking in the woods

AI-generated content may be incorrect.

Chấp thủ là sự bám víu có liên hệ tới ái chấp, mạn chấp và kiến chấp. Còn chấp thủ, dù thô hay tế, đều còn đau khổ. Cảnh giới của chấp thủ gồm sáu nội xứ, sáu ngoại xứ với cách nói tận cùng là sáu căn, sáu cảnh, sáu thức. Từ 18 pháp này có hiện tượng xúc, xúc tạo nên thọ, tưởng, hành, thức. Tất cả cần được liễu tri và biết rõ bản chất vô thường, khổ não, vô ngã. Không có gì để bám víu đối với cái luôn biến đổi, bất toàn, vô chủ, vô quyền…

KINH VĂN

1. Ekaṃ samayaṃ bhagavā sāvatthiyaṃ viharati jetavane anāthapiṇḍikassa ārāme.

Một thời, Thế Tôn đang trú tại Sāvatthī, trong Kỳ Viên, vườn ông Anāthapiṇḍika.

2. Atha kho bhagavato rahogatassa paṭisallīnassa evaṃ cetaso parivitakko udapādi:

Khi ấy, Thế Tôn sống tịnh cư một mình, ý nghĩ khởi lên trong tâm:

"Paripakkā kho rāhulassa vimuttiparipācaniyā dhammā; yaṃnūnāhaṃ rāhulaṃ uttariṃ āsavānaṃ khaye vineyyan"ti.

"Các pháp dẫn đến sự thành tựu giải thoát đã chín muồi nơi Rāhula. Nay ta nên hướng dẫn Rāhula tiến xa hơn đến chỗ đoạn tận lậu hoặc."

3. Atha kho bhagavā pubbaṇhasamayaṃ nivāsetvā pattacīvaramādāya sāvatthiyaṃ piṇḍāya caritvā pacchābhattaṃ piṇḍapātapaṭikkanto āyasmantaṃ rāhulaṃ āmantesi:

Rồi vào buổi sáng, Thế Tôn đắp y, mang bát, đi khất thực ở Sāvatthī. Sau khi khất thực về và đã dùng xong bữa, Ngài nói với Tôn giả Rāhula:

"Gaṇhāhi, rāhula, nisīdanaṃ. Yena andhavanaṃ tenupasaṅkamissāma divāvihārāyā"ti.

"Này Rāhula, con hãy lấy tọa cụ. Ta và con hãy vào rừng Andha để an trú trong ngày."

4. "Evaṃ, bhante"ti kho āyasmā rāhulo bhagavato paṭissutvā nisīdanaṃ ādāya bhagavantaṃ piṭṭhito piṭṭhito anubandhi.

 "Thưa vâng, bạch Thế Tôn" Tôn giả Rāhula đáp lại, rồi lấy tọa cụ đi theo sau Thế Tôn.

5. Tena kho pana samayena anekāni devatāsahassāni bhagavantaṃ anubandhāni honti:

Bấy giờ có hàng ngàn chư thiên theo sau Thế Tôn,

"Ajja bhagavā āyasmantaṃ rāhulaṃ uttariṃ āsavānaṃ khaye vinessatī"ti.

Nghĩ rằng: "Hôm nay Thế Tôn sẽ hướng dẫn Tôn giả Rāhula tiến xa hơn đến sự đoạn tận các lậu hoặc."

6. Atha kho bhagavā andhavanaṃ ajjhogāhetvā aññatarasmiṃ rukkhamūle paññatte āsane nisīdi.

Rồi Thế Tôn đi vào rừng của những người mù và ngồi trên chỗ được (Tôn giả Rāhula) chuẩn bị dưới một cội cây.

Āyasmāpi kho rāhulo bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi.

Tôn giả Rāhula đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

7. Ekamantaṃ nisinnaṃ kho āyasmantaṃ rāhulaṃ bhagavā etadavoca:

Khi Tôn giả Rāhula đã ngồi xuống một bên, Thế Tôn nói rằng:

8. "Taṃ kiṃ maññasi, rāhula, cakkhu niccaṃ vā aniccaṃ vā"ti?

"Này Rāhula, con nghĩ sao? Mắt là thường hay vô thường?"

"Aniccaṃ, bhante".

"Là vô thường, bạch Thế Tôn."

“rūpā niccā vā aniccā vā”ti?

 Sắc là thường hay vô thường?...

“cakkhuviññāṇaṃ niccaṃ vā aniccaṃ vā”ti?

Nhãn thức là thường hay vô thường?...

“cakkhusamphasso nicco vā anicco vā”ti?

Nhãn xúc là thường hay vô thường?...

“yampidaṃ cakkhusamphassapaccayā uppajjati vedanāgataṃ, saññāgataṃ, saṅkhāragataṃ, viññāṇagataṃ, tampi niccaṃ vā aniccaṃ vā”ti?

Thọ, tưởng, hành, thức sanh khởi duyên nhãn xúc là thường hay vô thường?

“aniccaṃ, bhante”.

Là vô thường, bạch Thế Tôn.

“yaṃ panāniccaṃ dukkhaṃ vā taṃ sukhaṃ vā”ti?

Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

“dukkhaṃ, bhante”.

Là khổ, bạch Thế Tôn.

“yaṃ panāniccaṃ dukkhaṃ vipariṇāmadhammaṃ, kallaṃ nu taṃ samanupassituṃ — ‘etaṃ mama, esohamasmi, eso me attā’”ti?

Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quan niệm cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?

“no hetaṃ, bhante”

Thưa không, bạch Thế Tôn.

9. (Tương tự như vậy, Thế Tôn hỏi về: sắc, nhãn thức, nhãn xúc, các thọ – tưởng – hành – thức do nhãn xúc sanh khởi, tai, âm thanh, nhĩ thức, nhĩ xúc…)

10. …jivhā, rasā, jivhāviññāṇa, jivhāsamphassa, vedanāgataṃ, saññāgataṃ, saṅkhāragataṃ, viññāṇagataṃ…

Lưỡi, vị, thiệt thức, thiệt xúc và thọ, tưởng, hành, thức do thiệt xúc sanh khởi …

11. …mano, dhammā, manoviññāṇa, manosamphassa, yampidaṃ manosamphassapaccayā uppajjati vedanāgataṃ saññāgataṃ saṅkhāragataṃ viññāṇagataṃ…

Ý, cảnh pháp, ý thức, ý xúc và thọ, tưởng, hành, thức do ý xúc sanh khởi …?

“aniccaṃ, bhante”.

Là vô thường, bạch Thế Tôn.

“yaṃ panāniccaṃ dukkhaṃ vā taṃ sukhaṃ vā”ti?

Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

“dukkhaṃ, bhante”.

Là khổ, bạch Thế Tôn.

“yaṃ panāniccaṃ dukkhaṃ vipariṇāmadhammaṃ, kallaṃ nu taṃ samanupassituṃ — ‘etaṃ mama, esohamasmi, eso me attā’”ti?

Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quan niệm cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?

“no hetaṃ, bhante”

Thưa không, bạch Thế Tôn.

12. Evaṃ passaṃ, rāhula, sutavā ariyasāvako… nibbindati… virajjati… vimuccati…

Thấy như vậy, này Rāhula, vị thánh đệ tử có học hiểu nhàm chán đối với mắt, sắc, nhãn thức, nhãn xúc… Nhàm chán với tai, âm thanh… với tâm, pháp… với mọi hiện tượng do xúc mà sanh.

13. Nibbindaṃ virajjati, virāgā vimuccati, vimuttasmiṃ vimuttamiti ñāṇaṃ hoti…

Do nhàm chán nên ly tham, bởi ly tham được giải thoát. Khi đã giải thoát thì sáng suốt nhận biết: “Tâm đã được giải thoát.”

14. ‘Khīṇā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ, nāparaṃ itthattāyā’ti pajānāti.

Vị ấy hiểu rõ: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã sống trọn, việc cần làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái hiện hữu này nữa.”

15. Idamavoca bhagavā. Attamano āyasmā rāhulo bhagavato bhāsitaṃ abhinandi.

Thế Tôn nói như vậy. Tôn giả Rāhula hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

16. Imasmiñca pana veyyākaraṇasmiṃ bhaññamāne āyasmato rāhulassa anupādāya āsavehi cittaṃ vimucci.

Trong khi bài pháp này được thuyết giảng, tâm của Tôn giả Rāhula được giải thoát khỏi các lậu hoặc nhờ không chấp thủ.

17. Anekānañca devatāsahassānaṃ virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi: “Yaṃ kiñci samudayadhammaṃ, sabbaṃ taṃ nirodhadhamman”ti.

Cùng lúc ấy, trong hàng ngàn chư thiên có mặt, pháp nhãn thanh tịnh ly trần vô cấu phát sanh: “Phàm pháp gì có sinh ắt phài diệt.”

CHÚ THÍCH

Các pháp dẫn đến sự thành tựu giải thoát (Vimuttiparipācaniyā Dhammā) theo Sớ giải bao gồm:

I. Mười lăm pháp thanh lọc năm căn (indriya-visuddhi)

Đối với mỗi căn (tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ), có ba yếu tố hỗ trợ:

  1. Tránh xa người thiếu căn ấy.
  2. Gần gũi người đầy đủ căn ấy.
  3. Quán xét các bài kinh khơi dậy căn ấy.

→ 5 căn × 3 cách = 15 pháp giúp thanh lọc năm quyền (indriya).

II. Mười lăm pháp mở rộng gồm:

5 căn (một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng).

5 tuệ tri hướng đến đột phá (nibbhedhabhāgiyā saññā):

  1. Tri giác về vô thường (aniccasaññā)
  2. Tri giác về khổ trong vô thường (anicce dukkhasaññā)
  3. Tri giác về vô ngã trong khổ (dukkhe anattasaññā)
  4. Tri giác về sự từ bỏ (pahānasaññā)
  5. Tri giác về ly tham (virāgasaññā)

5 pháp được giảng cho Tôn giả Meghiya (Udāna 36):

  1. Thiện hữu tri thức (kalyāṇamittatā)
  2. Trì giới nghiêm túc (sīla)
  3. Đàm thoại phù hợp với Pháp (kalyāṇakathā)
  4. Tinh tấn không biếng nhác (āraddhavīriya)
  5. Trí tuệ dẫn đường (paññā)

Tổng cộng: 30 pháp có thể được gọi là “Vimuttiparipācaniyā”. Những pháp này góp phần hỗ trợ người thực hành tiến đến sự chín muồi của giải thoát, tức là thành tựu đạo quả rốt ráo.

Những chư thiên này đã phát nguyện (chứng đạt giác ngộ) cùng với Rāhula, khi Rāhula phát nguyện (trở thành con trai của một vị Phật) dưới chân Đức Phật Padumuttara. Từ đó, họ đã được tái sanh vào nhiều cõi trời khác nhau, nhưng vào ngày này, tất cả đều tụ hội về rừng Andhara.

Trong bài kinh này, “Pháp nhãn” (Dhammacakkhu) ám chỉ bốn đạo và bốn quả. Có những chư thiên chứng được nhập lưu (sotāpanna), một số chứng nhất lai (sakadāgāmī), số khác đạt bất lai (anāgāmī) và cũng có những vị đạt A-la-hán (arahant). Số lượng chư thiên ấy là vô số.

SỚ GIẢI

Chú giải 121. Kinh số 8 (aṭṭhame)

"Vimuttiparipācaniyā" có nghĩa là: "các pháp làm cho thành thục sự giải thoát". Tức là những pháp ấy giúp chín muồi cho giải thoát. "Dhammā" ở đây là mười lăm pháp, nên được hiểu là có tác dụng thanh tịnh hóa các quyền (indriya) như tín căn, tinh tấn căn, v.v. Đã được nói như sau:

"Tránh xa người không có đức tin, gần gũi và thân cận người có đức tin, suy xét các bài kinh khiến sanh tín tâm — nhờ ba cách này mà tín căn được thanh tịnh. Tránh xa người lười biếng, gần gũi và thân cận người tinh tấn, suy xét Chánh tinh tấn — nhờ ba cách này mà tinh tấn căn được thanh tịnh. Tránh xa người thất niệm, gần gũi và thân cận người chánh niệm, suy xét Tứ niệm xứ — nhờ ba cách này mà niệm căn được thanh tịnh. Tránh xa người tâm tán loạn, gần gũi và thân cận người có định, suy xét Thiền và Giải thoát — nhờ ba cách này mà định căn được thanh tịnh. Tránh xa người ngu si, gần gũi và thân cận người có trí, suy xét các hành vi dẫn đến trí tuệ sâu sắc — nhờ ba cách này mà tuệ căn được thanh tịnh. Như vậy, bằng mười lăm cách: tránh năm hạng người, gần gũi năm hạng người và suy xét năm loại kinh, năm căn này được thanh tịnh." (Chú giải Paṭisambhidāmagga, phần 1.184)

Ngoài ra, còn có 15 pháp khác cũng được gọi là "vimuttiparipācaniyā dhammā" (pháp làm cho thành thục sự giải thoát):

  • Năm căn bắt đầu từ tín căn (tức: tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ).
  • Năm tuệ quán (saññā) hướng đến đoạn tận:
    1. Tri kiến về vô thường (aniccasaññā)
    2. Tri kiến về khổ trong vô thường
    3. Tri kiến về vô ngã trong khổ
    4. Tri kiến về sự từ bỏ (pahānasaññā)
    5. Tri kiến về ly tham (virāgasaññā)
  • Năm pháp khác được Tôn giả Meghiya nêu ra trong Kinh Meghiya (Udāna 31) như: thiện hữu tri thức, v.v.

Còn về thời điểm Thế Tôn khởi tâm nghĩ đến việc giáo giới Rāhula là khi nào? Là vào rạng sáng, khi Ngài quán xét thế gian.

Về cụm từ “nhiều ngàn chư thiên” (anekāni devatāsahassāni): Đó là những vị chư thiên đã cùng phát nguyện với Tôn giả Rāhula dưới chân Đức Phật Padumuttara trong quá khứ, khi Rāhula còn là một vị long vương tên Pālita. Các vị chư thiên ấy từng được tái sinh vào các cõi khác nhau:

  • Có vị là địa thần (bhūmaṭṭhaka devatā),
  • Có vị ở giữa hư không (antalikkhaṭṭhaka),
  • Có vị ở cõi Tứ đại thiên vương (Cātummahārājika),
  • Có vị ở các cõi trời cao hơn,
  • Có vị sinh vào cõi Phạm thiên.

Nhưng ngay trong ngày hôm đó, tất cả họ tụ hội tại rừng của những người mù — vì vậy nói rằng: “nhiều ngàn chư thiên”.

“Pháp nhãn” (Dhammacakkhu): Trong bài kinh này, “Dhammacakkhu” ám chỉ cả bốn đạo và bốn quả. Trong số các chư thiên đó:

  • Có vị chứng Nhập lưu (Sotāpanna),
  • Có vị chứng Nhất lai (Sakadāgāmī),
  • Có vị chứng Bất lai (Anāgāmī),
  • Có vị chứng A-la-hán (Arahant).

Và số lượng chư thiên chứng ngộ ấy không thể tính đếm.

Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

121. VIII. Ràhula (S.iv, 105)

1) Một thời Thế Tôn ở trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Thế Tôn trong khi độc cư Thiền tịnh, các tư niệm sau đây được khởi lên: "Ðã thuần thục là các pháp đưa đến giải thoát được chín muồi cho Ràhula. Vậy Ta hãy giảng dạy cho Ràhula những lời dạy cuối cùng đưa đến đoạn tận các lậu hoặc".

3) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực, khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, gọi Tôn giả Ràhula:

-- Này Ràhula, hãy cầm tọa cụ đi đến rừng Andha để nghỉ trưa.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ràhula vâng đáp Thế Tôn, cầm lấy tọa cụ và đi sau lưng Thế Tôn.

4) Lúc bấy giờ, rất nhiều ngàn Thiên nhân đi theo Thế Tôn và nghĩ rằng: "Hôm nay, Thế Tôn sẽ giảng dạy cho Ràhula những lời dạy cuối cùng đưa đến đoạn tận các lậu hoặc".

5) Rồi Thế Tôn đi sâu vào rừng Andha và ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn dưới gốc cây. Rồi Tôn giả Ràhula, sau khi đảnh lễ Thế Tôn liền ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ràhula đang ngồi xuống một bên:

6) -- Ông nghĩ thế nào, này Ràhula, mắt là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu chánh quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Sắc là thường hay vô thường?...

Nhãn thức là thường hay vô thường?...

Nhãn xúc là thường hay vô thường?...

Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

7-8) -- Tai... Mũi...

9-10) Lưỡi... Thân...

11) Ý là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Các pháp là thường hay vô thường?...

Ý thức là thường hay vô thường?...

Ý xúc là thường hay vô thường?...

Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

12) -- Thấy vậy, này Ràhula, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Phàm duyên nhãn xúc này khởi lên cảm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì; nhàm chán đối với pháp ấy... nhàm chán đối với tai... nhàm chán đối với mũi... nhàm chán đối với lưỡi... nhàm chán đối với thân... nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên cảm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì, nhàm chán đối với pháp ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí hiểu biết: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

13) Thế Tôn thuyết như vậy. Tôn giả Ràhula hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời thuyết giảng này được nói lên, tâm Tôn giả Ràhula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Và hàng nhiều ngàn chư Thiên khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu: "Phàm các pháp gì được sanh khởi, tất cả đều bị đoạn diệt".



Link nội dung: https://chuaphapluan.com/en/mon-hoc-tuong-ung-bo-pha-vo-toan-bo-chap-thu-kinh-huan-thi-r-hula-r-hulov-dasutta-.html

Copyright © 2021 Phap Luan Buddhist Culture Center. All Rights Reserved
Disclaimer of liability: The material and information contained on this website is for general information purposes only. You should not rely upon the material or information on the website as a basis for making any business, legal or any other decisions.