Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 40 (dhp 422)

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 40 (dhp 422)

Tuesday, 22/04/2025, 03:49 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

 Bài học thứ hai 21.4.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brāhmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 40 (dhp 422)

A person sitting on a pedestal with an elephant

AI-generated content may be incorrect.

Chánh văn:

40. Usabhaṃ pavaraṃ vīraṃ

mahesiṃ vijitāvinaṃ

anejaṃ nahātakaṃ buddhaṃ

tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.

(dhp 422)

Thích văn:

Usabhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ usabha] con trâu c, con bò chúa; ám chỉ người can đảm, không sợ sệt, bậc vô úy.

Paravaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ parava] ưu việt, cao quí.

Vīraṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ vīra] dũng mãnh, anh dũng.

Mahesiṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ mahesī (mahā + esī) bậc chí cả, chí lớn.

Vijitāvinaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ vijitavī] đã chinh phục, đã chiến thắng.

Anejaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể aneja (an + ejā + a)] không còn dục vọng, không còn ham muốn, vô dục.

Nahātakaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ nahātaka)] người đã tắm sạch, đã gội rửa.

Buddhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ buddha (quá khứ phân từ của động từ bujjhati)] đã giác ngộ.

Việt văn:

40. Bậc ngưu vương, ưu việt,

bậc uy dũng, chí cả,

bậc chiến thắng, vô dục,

đã tẩy trần, giác ngộ,

ta gọi ấy phạm chí.

(pc 422)

Chuyển văn:

40. Usabhaṃ pavaraṃ vīraṃ mahesiṃ vijitāvinaṃ anejaṃ mahātakaṃ buddhaṃ taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.

Bậc Trâu chúa cao quí, uy dũng, bậc chí cả, đã chiến thắng, không còn dục vọng, đã tẩy rửa, đã giác ngộ_Người ấy, ta gọi là vị Bà la môn.

Duyên sự:

Bài kệ này, được đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Jetavana, kinh thành Sāvatthi, vì chuyện tôn giả Aṅgulimāla.

Vào một lần nọ, đức Thế Tôn cùng với năm trăm tỳ kheo đi vân du hoằng pháp ở các xứ khác, Ngài đã trở lại Sāvatthi.

Đức vua Pasenadi cùng dân chúng đua nhau làm phước cúng dường đến đức Phật và chư tăng. Ngày của vua tổ chức cúng dường, Nhà vua mời dâng chúng trong thành đến tham dự để nhìn thấy cuộc lễ trọng thể do vua tổ chức. Về phía dân chúng quyết không chịu kém cạnh hơn đức vua nên, đã hiệp sức tổ chức lễ cúng dường long trọng hơn và mời đức vua đến tham dự cho vua thấy. Vua thấy vậy bèn tổ chức lễ cúng dường khác long trọng hơn dân chúng. Cứ thế Nhà vua và dân chúng tranh nhau sáu lần tổ chức hơn thua.

Vua Pasenadi nghĩ: “Ta là vua mà để thua dân chúng coi sao được; Nhưng làm sao để tổ chức lễ cúng dường hoành tráng mà dân chúng không thể cạnh tranh tổ chức như vua được?” Đức vua vì thế mà phiền muộn bất an.

Hoàng hậu thấy vậy hỏi nguyên do. Khi biết được sự việc, hoàng hậu Mallikā hiến kế cho vua hãy tổ chức lễ cúng dường ngoài trời, bố trí 500 con voi thuần hóa mỗi con giữ một tán lọng trắng che cho một vị tỳ kheo. Vua Pasenadi nói với hoàng hậu Mallikā trong hoàng cung chỉ có 499 con voi đã được thuần hóa, còn lại số voi khác chưa dược thuần hóa, chúng rất hung hăng, phải làm sao?

Hoàng hậu Mallikā là người có trí tuệ, bà mách nước cho vua hãy bố trí con voi chưa thuần hóa ấy tại vị trí ngồi của tôn giả Aṅgulimāla.

Thật lạ lùng, uy dũng của tôn giả khiến con voi ấy khiếp, nó thủ phục bên cạnh tôn giả Aṅgulimāla, giữ chiếc lọng trắng che cho tôn giả, mắt nhắm lại, đôi tai cụp xuống, tỏ ra hiền lành. Đức vua rất hài lòng với Hoàng hậu Mallikā.

Khi trở về chùa, buổi chiều các vị tỳ kheo tụ họp nơi hội trường đã hỏi tôn giả Aṅgulimāla: “Hiền giả Aṅgulimāla, khi thấy con voi hung hăng cầm lọng đứng gần, hiền giả có sự sợ hãi không?” _ “Này chư hiền, tôi không sợ hãi”.

Các tỳ kheo đi đến bậc Đạo sư và nói: “Bạch Thế Tôn, tôn giả Aṅgulimāla nói không thật ám chỉ khác”. Bậc Đạo sư phán: “Này chư tỳ kheo, Aṅgulimāla con trai ta không có sợ hãi; những vị tỳ kheo giống như con trai ta là những bậc ngưu vương tối thượng giữa các bậc ngưu vương lậu tận đều không sợ hãi”. Nói xong Ngài đã thuyết lên bài kệ: Usabhaṃ pavaraṃ vīraṃ…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmaṇan’ ti.

Dứt pháp thoại, có nhiều vị đã đắc được thánh quả.

Lý giải:

Bậc ngưu vương (usabhaṃ) ý nghĩa so sánh; một người giống như trâu chúa không khiếp sợ, không run sợ.

Ưu việt (paravaṃ), nghĩa là cao quí tối thượng.

Uy dũng (vīraṃ) nghĩa là người thành tựu sự dỏng mãnh chuyên cần.

Chí cả (mahesiṃ) nghĩa là người tầm cầu pháp cao cả như giới uẩn…v.v…(Mahantānaṃ sīlakkandhādīnaṃ esitattā mahesī).

Bậc chiến thắng (vijitānaṃ) nghĩa là người đã chinh phục ba loại ma là phiền não ma, hành vi ma, ngũ uẩn ma (tiṇṇaṃ mārānaṃ vijitatta vijitāvī).

Vô dục (anejaṃ) nghĩa là không có sự ham muốn, không tham ái (taṇhāya abhāvena anejo).

Đã tẩy trần (nahātakaṃ) nghĩa là phiền não được tắm sạch, đã được gột rửa (nahātakilesāya nahātako).

Giác ngộ (buddhaṃ) nghĩa là người đã thấu hiểu tứ đế, thấu hiểu bốn chân lý (catusaccabuddhatāya buddho).

Một con người không biết khiếp sợ như loài bò chúa, người cao quí, dũng mãnh, có chí cả, người đã chiến thắng ma, không tham muốn, phiền não đã gột rửa, thông hiểu bốn chân lý_người ấy, đức Phật gọi là vị Bà la môn.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.



Link nội dung: https://chuaphapluan.com/en/mon-hoc-p-li-phap-cu-xxvi-pham-ba-la-mon-brahma-avagga-ke-so-40-dhp-422-.html

Copyright © 2021 Phap Luan Buddhist Culture Center. All Rights Reserved
Disclaimer of liability: The material and information contained on this website is for general information purposes only. You should not rely upon the material or information on the website as a basis for making any business, legal or any other decisions.